Tiểu sử Thang_Hiển_Tổ

Thang Hiển Tổ xuất thân là dòng dõi thi thư, từ nhỏ đã rất ham đọc sách, tính tình khẳng khái, cương trực, không chịu a dua, luồn cúi. Năm Vạn Lịch thứ 5 (1577), Thang Hiển Tổ lên kinh ứng thí, nhưng do cự tuyệt lời mời của quan Thủ phụ Trương Cư Chính nên kết quả hai lần đều trượt. Đến năm Vạn Lịch thứ 11 (1583), sau khi Trương Cư Chính chết, Thang Hiển Tổ đỗ tiến sĩ khi đã 33 tuổi, nhưng do không xu nịnh với quan Thủ phụ mới là Thân Thời Hành, nên ở Nam Kinh chỉ được bổ một chức quan không có thực quyền. Trong thời gian tạo chức có quan hệ thân mật với những người trong Đồng Lâm Đảng. Năm Vạn Lịch thứ 19 (1591), ông dâng Luận phụ thần khoa thần sớ, phê phán chính sự thối nát, chỉ trích triều đình, đàn hặc đại thần, làm cho Minh Thần Tông nổi giận. Sau đó bị đày ra Quảng Đông, rồi làm tri huyện Toại Xương (Chiết Giang). Ông làm quan rất thanh liêm, thương xót dân tình, hiểu được lòng dân, cuối cùng vì bất mãn với việc triều chính hủ bại, năm Vạn Lịch thứ 26 (1598) từ quan về quê, ở tại Lâm Xuyên lấy hiệu là Ngọc Minh Đường, chuyên tâm vào viết kịch và sáng tác văn học.

Thang Hiển Tổ sống cùng thời với William Shakespeare nên được người Trung Quốc hiện đại gọi là Shakespeare của Trung Quốc[1]. Các tác phẩm của Thang Hiển Tổ rất tiêu biểu cho phong cách hý kịch Trung Quốc.